Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh. Khi xã hội càng phát triển, sự phân hóa nghề nghiệp càng cao thì công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông càng quan trọng.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TPHCM, thực tế công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nói chung và trong các trường phổ thông nói riêng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Tỷ lệ học sinh chọn ngành, nghề chưa đúng sở trường, năng lực của bản thân, chưa phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển nghề nghiệp của xã hội hiện nay còn cao…
Một số hoạt động hướng nghiệp cho học sinh còn mang tính hình thức. Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo chồng chéo; sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với năng lực hành nghề. Đồng thời, sự gắn kết của trường phổ thông, trường nghề với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thiếu kinh nghiệm thực tế…
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Đặng An Long, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học ngày càng trở nên khó khăn, nhất là phân luồng sau tốt nghiệp THCS khi các em còn là “vị thành niên” và yêu cầu lao động xã hội mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch (10/10 hoặc 12/12). Thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh…
Có chung quan điểm trên, ThS Hàng Quốc Tuấn, Trường THPT Phong Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho rằng: Ở các THCS, THPT hiện nay, giáo viên phụ trách giảng dạy giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy chưa đủ số tiết quy định hoặc giáo viên dạy các môn kĩ thuật.
Hầu như không có giáo viên được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp. Thực tế này dẫn đến hoạt động hướng nghiệp và tư vấn thường bị coi là việc của giáo viên chủ nhiệm/giáo viên dạy các môn kĩ thuật chứ không phải là trách nhiệm chung của nhà trường.
Bên cạnh đó, hình thức tư vấn nhàm chán, đa phần tập trung theo nhóm lớn (toàn trường hoặc một khối lớp) nên không hiệu quả. Nhìn chung đa số học sinh trung học đều “đói” thông tin về hướng đi và định hướng nghề nghiệp...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo ThS Hàng Quốc Tuấn, phân luồng học sinh không chỉ là việc của riêng ngành GD-ĐT, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực và cả học sinh, phụ huynh... Ở góc độ ngành GD-ĐT, cần tổ chức triển khai đại trà mô hình trường “trung học nghề” và trường “THPT kỹ thuật” để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học, tốt nghiệp ra trường có trình độ chuyên môn nghề nghiệp.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh THCS nhằm định hướng nghề nghiệp; Xây dựng chương trình và tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn ở THCS; Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp gắn với trải nghiệm thực tiễn, lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; Tư vấn học tập và tư vấn nghề nghiệp; Đưa nội dung giáo dục nghề nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục. Đặc biệt, ngành cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chuyên trách làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT.
TS Nguyễn Đặng An Long nêu quan điểm: Cần đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo địa phương, phòng GD&ĐT quận, huyện, hiệu trưởng các trường THCS và nhất là cha mẹ và học sinh về lợi ích của việc dạy nghề và phân luồng sau trung học.
Thêm vào đó, tăng cường tư vấn hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông phải có sự kết hợp với phòng LĐ,TB&XH. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Song song với đó, cần nâng cao chất lượng dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề, trung cấp và trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên của các quận, huyện đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và của các ngành kinh tế. Ở tầm vĩ mô, cần xây dựng hệ thống cơ quan làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia, cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền.